Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Logo xe

Logo Ferrari - tuấn mã vô địch trên đường đua F1 76 năm tồn tại và 55 năm ghi danh trong lịch sử môn đua xe F1, câu chuyện về đội đua Ferrari, về những chiếc xe thể thao sang trọng, về chiếc logo mang hình con ngựa tung vó nổi tiếng vẫn luôn hấp dẫn người hâm mộ khắp nơi trên thế giới. Đã 5 năm liên tiếp kể từ năm 2000, Ferrari là cái tên thống trị bảng thành tích của giải đua Công thức 1 (Formula One - F1) - giải đua xe ôtô uy tín và nổi tiếng nhất hành tinh. Điều này làm cho không ít người nghi ngờ tính hấp dẫn của F1, và thực sự là cơn ác mộng đối với các đội đua như McLaren, Williams... Không chỉ có vậy, sự kiện có một không hai trong lịch sử hơn 50 năm của F1 này còn khiến các nhà tổ chức một lần nữa phải đưa ra những điều luật mới, với mục đích duy nhất là giảm sức mạnh của Ferrari và tăng tính cạnh tranh. Nhưng, như người ta thường nói, không ai phê phán được người chiến thắng, và vì thế, Ferrari cùng biểu tượng chú ngựa đang tung vó vẫn hiên ngang trên vai trò thống trị. Đội Ferrari thống trị đường đua F1 cùng Michael Schumacher 5 năm qua. Những chiến thắng liên tiếp, những ánh hào quang vây quanh, mọi thứ dường như không làm che lấp đi niềm đam mê và tham vọng của đội. Tất cả khởi nguồn từ câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của một trong những tay đua Italy trứ danh, Enzo Ferrari. Sinh ngày 18/02/1898, tại Modena, Italy, trong một gia đình chuyên đúc các thiết bị đường ray xe lửa, niềm đam mê đua ôtô đã tiềm ẩn trong Ferrari từ tuổi ấu thơ khi cha mẹ cậu là người đầu tiên trong thành phố có ôtô cho riêng mình. Nhưng mọi chuyện đã không đến như những gì Ferrari mơ ước. Năm 1916, cha và anh trai hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ lần thứ nhất, Ferrari phải bỏ học để quản lý công việc tại xưởng đúc. Chỉ sau đó ít năm, xưởng phá sản. Đến lượt Ferrari nhập ngũ và một vết thương nặng buộc ông rời quân đội. Trở về, Enzo Ferrari không quay lại trường học mà kiếm việc để nuôi người mẹ goá. Năm 20 tuổi, Ferrari tham gia đội lái thử xe của công ty CMN (Costruzioni Meccaniche Nazionali), một công ty sản xuất ôtô thể thao quy mô nhỏ. Năm 1924, ông gia nhập đội đua Alfa Romeo. Chiếc máy bay có sơn hình chú ngựa tung vó của Baracca. Năm 1929, Ferrari thành lập Scuderia Ferrari (tiếng Anh là Ferrari Stable - đội đua Ferrari), một công ty chuyên bảo trợ và tổ chức các giải đua cho những tay đua nghiệp dư tại Modena, lúc đó là một đơn vị thành viên của đội đua Alfa Romeo. Năm 1939, Ferrari quyết định cắt đứt mối quan hệ giữa Scuderia với Alfa Romeo để thành lập nên một tổ chức độc lập, lấy tên là “Auto Avio Costruzioni Ferrari”, một công ty làm việc cho hãng hàng không quốc gia, tiền thân của Scuderia Ferrari ngày nay. Câu chuyện về chiếc logo mang hình con tuấn mã (Prancing Horse) đang tung vó bắt đầu vào năm 1923. Sau khi giành chức vô địch tại đường đua Savio, Ravenna, Ferrari gặp nữ bá tước Paolina, mẹ của người anh hùng không quân Italy trong thế chiến thứ nhất, Francesco Baracca. Bà đề nghị Ferrari sử dụng hình ảnh con ngựa đang tung vó được sơn bên sườn chiếc máy bay chiến đấu của Francesco Baracca với lời nhắn biểu tượng đó sẽ mang lại cho Ferrari những điều may mắn. Logo của Scuderia Ferrari. Trở về sau chiến thắng, không do dự, Ferrari bắt tay vào thiết kế biểu tượng cho công ty mà ông ấp ủ từ lâu và lúc Scuderia Ferrari thành lập cũng là lúc logo mang hình con tuấn mã được giới thiệu lần đầu tiên. Vẫn là hình ảnh con ngựa đang tung vó, tuy có những thay đổi so với hình vẽ của Francesco Baracca, nhưng điểm quan trọng nhất là Enzo Ferrari đặt nó trên nền màu vàng, màu của lá cờ thành phố Modena quê hương. Hình khối bao quanh là hình chiếc khiên, một kiểu thiết kế quốc huy quen thuộc của các nước phương Tây và một vài nước thuộc địa. Hai chữ SF là viết tắt của Scuderia Ferrari. 3 đường kẻ sọc phía trên đỉnh logo tượng trưng cho quốc kỳ Italy thời kỳ quân chủ lập hiến với 3 màu xanh thẫm, trắng và đỏ. Năm 1948, nền quân chủ lập hiến sụp đổ, vương quốc Italy trở thành nước cộng hoà. Để đánh dấu mốc phát triển mới của đất nước sau chiến tranh thế giới thứ hai và như bao lần thay đổi thể chế chính trị khác, quốc hội Italy quyết định thay màu xanh thẫm trên quốc kỳ bằng màu xanh lá cây. Logo của Scuderia Ferrari do đó cũng được thay đổi tương ứng. Logo của công ty ôtô Ferrari. 1946, Enzo Ferrari thành lập công ty sản xuất ôtô mang tên Ferrari S.p.A với biểu tượng là logo của Scuderia Ferrari được thiết kế lại. Cũng như Scuderia Ferrari, logo Ferrari S.p.A được sửa đổi vào năm 1948 và được sử dụng cho đến ngày nay. Logo của Ferrari là biểu tượng của sự kết hợp giữa tài năng một cá nhân (anh hùng Francesca Baracca), tính truyền thống của một vùng đất (thành phố Modena) và văn hoá của một quốc gia. Có lẽ vì thế mà 76 năm qua, logo đó vẫn luôn song hành, luôn đại diện cho Ferrari dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và hiện tại, để trả lời cho câu hỏi mà giới hâm mộ môn đua xe F1: "Ai sẽ đánh bại Ferrari?", những người trong Scuderia Ferrari hỏi lại rằng: "Ai có khả năng làm cho chú ngựa trên logo Ferrari ngừng tung vó?". Logo BMW - cánh quạt xanh xứ Bavaria
Dù lúc thịnh lúc suy, thậm chí có khi lâm vào tình trạng gần như phá sản, hãng xe hơi Đức BMW vẫn luôn gắn bó với biểu tượng hình cánh quạt trắng xanh nổi tiếng trong suốt lịch sử phát triển.
Điều đó tượng trưng cho sự kiên định với những lựa chọn của người Đức. Luôn duy trì sự tập trung cao độ trong một thời gian dài với cùng một mục đích, đức tính đó giúp BMW vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử.
Nguồn gốc xuất phát logo của BMW.
Ra đời năm 1916, công ty BMW, viết tắt của Bayerische Motoren Werke (tiếng Anh có nghĩa là Bavarian Motor Works), được thành lập với mục đích sản xuất ôtô xe máy. Tiền thân của BMW lại là hai công ty Raap Motor Works và BMW GmbH, chuyên sản xuất động cơ máy bay. Đó chính là nguồn cảm hứng để thiết kế nên logo BMW nổi tiếng thế giới.
Nó tượng trưng cho hình ảnh chuyển động của hai cánh quạt mà các phi công quan sát được trên những chiếc máy bay sản xuất vào thập kỷ 20. Khi chạy với tốc độ nhất định, hai cánh quạt này sẽ chia quỹ đạo của chúng thành bốn phần bằng nhau, hai phần mang màu trắng đậm, hai phần còn lại in màu xanh bầu trời xứ Bavaria.
Như người ta thường nói, thiết kế logo là một trong những lĩnh vực khó nhất của ngành thiết kế tạo hình, bởi nó không chỉ là một hình ảnh đơn thuần, mà còn là bộ mặt của công ty, là lời giới thiệu ý nghĩa và hiệu quả nhất với khách hàng. Không phải là thời trang, đó là sự cô đọng của nghệ thuật. BMW hiểu rất rõ như vậy và họ cũng biết rằng không có gì biểu tượng cho sức sống, lòng trung thành và sự trường tồn hơn là màu cờ tổ quốc, không có gì dễ nhớ hơn là sự kết hợp giữa một hình khối giản đơn và những màu sắc quen thuộc. Vì thế, việc đưa hai màu xanh trắng trên lá cờ xứ Bavaria vào logo hàm nghĩa rằng BMW là công ty của người xứ Bavaria, BMW sẽ sống cùng, phát triển cùng với sự phát triển dân tộc.
Chiếc Dixi 1927 (trên) chưa có logo và Dixi năm 1929 (dưới) mang logo của BMW.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ I, Hiệp ước Versaille (1919) không cho phép BMW sản xuất ôtô nên giai đoạn này, BMW tập trung vào các sản phẩm xe đạp và xe máy. Phải đến tận năm 1929, lần đầu tiên người ta mới thấy logo này xuất hiện trên mẫu xe Dixi tại triển lãm ôtô Berlin.
Năm 1939, chiến tranh thế giới lần II bùng nổ, BMW trở thành nhà sản xuất xe máy và động cơ máy bay chuyên dụng cho quân đội Đức. Khi chiến tranh kết thúc năm 1945 cũng là lúc những nhà máy ở Đông Đức bị phá huỷ nặng nề, còn ở Munich, thủ phủ bang Bavaria, quang cảnh trở nên hoang tàn và đổ nát. Tại thời điểm mà những nhà máy tại Munich bắt tay vào quá trình hồi phục sản xuất, quân đồng minh ra lệnh đóng cửa BMW trong 3 năm và yêu cầu BMW ngừng sản xuất xe ôtô cho đến năm 1952.
Sau khi được chính thức mở cửa trở lại, BMW bắt tay vào chế tạo chiếc ôtô, mở đầu cho một thời kỳ mới, thời của những chiếc ôtô sang trọng mang thương hiệu BMW xuất hiện trên khắp thế giới. Và logo trắng xanh dần trở thành một biểu tượng quen thuộc trên thế giới cho tới tận ngày nay.
Logo BMW và lá cờ xứ Bavaria (trên).
Gần 90 năm tồn tại, chịu tác động trực tiếp của 2 cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử loài người, biểu tượng đó vẫn song hành cùng với những bước phát triển của BMW. Để thích ứng với quan niệm hiện đại và những thách thức mới, logo BMW giờ đây ngoài những giá trị truyền thống còn thể hiện cho trí tuệ với màu xám của vòng tròn bao quanh, sự mạnh mẽ, tính linh hoạt và hơn hết là tương lai tươi sáng của những dòng xe sang trọng hàng đầu thế giới.
Logo Porsche tôn vinh giá trị truyền thống

Dù ra đời khá muộn màng so với các đại gia của ngành công nghiệp xe hơi nước Đức, Porsche vẫn tạo lập được vị thế riêng nhờ biết chọn cho mình con đường phát triển dựa trên triết lý về cội nguồn.
Nếu cứ tính theo tỷ lệ "trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một làm", phải sau một triệu lần nghe, một vạn lần thấy, chúng ta mới có cơ may được an tọa trong không gian của chiếc xe mang thương hiệu Porsche. Không chỉ hiếm hoi như lá mùa thu ở Việt Nam, mà ngay những nước tiên tiến khác, sở hữu một chiếc Porsche cũng cần lắm công phu, bởi không phải lúc nào giá cả của hãng xe danh tiếng này cũng chiều lòng người.
Porsche Carrera coupe.
Lịch sử của Porsche bắt đầu sau hơn 50 năm làm việc cần cù và say mê của người sáng lập, Ferdinand Porsche. Ông là tác giả của dòng xe thể thao SS, SSK siêu nạp khi giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật của Benz-Daimler. Trong giai đoạn cộng tác với NSU, Volkswagen, ông cho ra đời "con bọ" Beetle nổi tiếng năm 1932 và hàng loạt dòng xe đua. 1950, sau 20 năm làm việc tại văn phòng thiết kế riêng, Ferdinand Porsche và người con Ferry Porsche thành lập công ty độc lập mang tên Porsche, đóng đô tại thành phố ôtô Stuttgart, Đức.
Một năm sau, Porsche giành chiến thắng tại đường đua Le Mans với sản phẩm đầu tay mang tên công ty, Porsche 356. Đó quả thực là điềm báo cho một thương hiệu lớn trong tương lai. Cùng năm 1951, Ferdinand Porsche qua đời khi nguyên mẫu 356 chưa kịp hoàn thành, để lại công ty cho người con Ferry Porsche quản lý.
Theo dòng sự kiện:
Lịch sử các nhãn hiệu xe (25/07/2006)
Năm 1952, khi đang ở châu Mỹ, Ferry uỷ quyền cho người trợ lý đắc lực Erwin Komenda thiết kế biểu tượng của Porsche. Mục đích của Ferry lúc đó là xuất khẩu các sản phẩm của Porsche sang thị trường Mỹ đầy tiềm năng. "Quân sư" Erwin Komeda đã song hành cùng F. Porsche từ năm 1931, và chính ông đã chấp bút thiết kế nên "con bọ" của Volkswagen theo lệnh của Adolf Hitler. Sau này, dưới triều đại của Ferry, "đại thần" Erwin góp công lớn với mẫu thiết kế 911, chiếc xe gắn liền với tên tuổi Porsche, và vẫn còn được sản xuất dù có mặt trên thị trường từ năm 1964.
Erwin Komenda chịu ảnh hưởng lớn từ ý tưởng của Ferry khi thiết kế logo Porsche. Dường như những người đứng đầu các hãng xe đua có nguyên tắc chung khi xây dựng biểu tượng cho công ty. Có thể do tham gia trực tiếp vào lĩnh vực thể thao nên yếu tố "màu cờ, sắc áo" được những hãng này đưa lên hàng đầu. Logo của Ferrari trung thành với màu cờ của thành phố Modena và quốc kỳ đất nước hình chiếc ủng, Italy. Còn logo của Porsche, tất nhiên, không thể bỏ qua những yêu cầu trên.
Ferry đã gợi ý Erwin lấy huy hiệu của vùng đất Wurttemberg, phía Tây Nam nước Đức, làm nền cho logo của Porsche. Wurttemberg giáp với xứ tự trị Bavaria về phía Đông, nơi có thành phố Stuttgart - thủ phủ của Porsche. Huy hiệu Wurttemberg hình chiếc khiên, được chia làm bốn phần. Góc cao bên trái và góc thấp bên phải vẽ 3 chiếc sừng hươu truyền thống có từ thời "khai thiên lập địa". Phần còn lại là những sọc đỏ đen quen thuộc trên quốc kỳ cộng hoà liên bang Đức. Phía đỉnh huy hiệu, Erwin phác hoạ dòng chữ Porsche rất hoà hợp về hình khối và tông màu, với ý nghĩa Porsche đã, đang và sẽ là một phần trong lịch sử Wurttemberg.
Nằm tại trung tâm của logo Porsche là biểu tượng thành phố Stuttgart, có các kích thước bằng một phần ba so với biểu tượng lớn, tương đương với tỷ lệ chiếm diện tích bằng một phần chín. Về tổng thể, tỷ lệ đó tạo nên cảm giác khá hài hoà, không quá to mà cũng không quá nhỏ. Theo các chuyên gia ngôn ngữ, Stuttgart là cách nói rút gọn của từ gốc Stutengarten, dịch sang tiếng Anh là "stud farm - trại ngựa giống". Biểu tượng và cái tên Stutengarten đã nói lên phần nào truyền thống của Stuttgart, nơi có những trang trại ngựa trù phú nằm dọc hai bên bờ sông Neckar. Có giả thuyết cho rằng, hình ảnh chú tuấn mã mà anh hùng không quân Italy Francesco Baracca vẽ lên sườn máy bay của mình phần nào lấy cảm hứng từ những trại ngựa này khi ông bay qua Stuttgart, và chú ngựa này tiếp tục tạo cảm hứng cho biểu tượng của Ferrari.Đồng hương với Porsche tại Stuttgart là Mercedes-Benz và Maybach, nhưng chỉ Ferry có ý tưởng về lối kết hợp khá đơn giản những biểu tượng của quê hương. Mục đích của ông là giúp người tiêu dùng Mỹ chỉ cần nhìn vào logo có thể đọc ra lai lịch của Porsche. Điều đó cũng tương đương với lời bảo đảm cho những sản phẩm Porsche, vì theo triết lý của Ferry, "không có gì làm người khác tin bạn hơn chính cội nguồn của bạn". Sau một năm được thông qua, logo Porsche chính thức trình làng trên vô-lăng của những mẫu xe năm 1953.
Hơn 50 năm, cùng trải qua những thăng trầm, sóng gió, biểu tượng đó vẫn hiện diện trên những sản phẩm tuyệt hảo Porsche. Dù sinh sau đẻ muộn so với các đại gia của ngành công nghiệp ôtô nước Đức, Porsche vẫn thành công theo cách riêng. Những người lãnh đạo cho rằng chính tính cách mạnh mẽ, tự tin, sang trọng và quyến rũ dựa trên nền tảng của những giá trị truyền thống đã giúp Porsche và biểu tượng của mình vượt qua cơn bĩ cực để đến hồi thái lai.
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • Facebook
  • RSS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


"Hãy sống với hiện tại và để cho quá khứ tự chôn vùi những sai lầm của nó!"


Dale Carnegie__________